Nếu bạn đã từng đi thuê nhà rồi thì chắc hẳn biết rằng, thuê nhà không đơn giản chỉ là tìm được một căn nhà ưng ý hay xem nhà và làm hợp đồng cho thuê nhà bởi nhiều người cho thuê sẽ thường lợi dụng những "mánh khóe", sơ hở của người thuê để lừa đảo, thu lợi bất chính về cho mình. Cùng Hometube tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nhà "ảo" nhưng giá thuê thật
Nếu bạn may mắn tìm được chủ nhà hay môi giới tốt thì không cần phải lo lắng. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người làm ăn bất chính thường đăng tải lên các website cho thuê nhà các thông tin nhà "ảo" với mức giá rất rẻ, thường sẽ thấp hơn so với thực tế hoặc chất lượng sản phẩm được nêu trong tin bán để thu hút nhiều khách hàng quan tâm hơn. Nhưng khi khách đến tận nơi xem thì lại được môi giới dẫn đi xem những căn nhà không đúng với căn mà khách muốn xem.
Việc thuê nhà giá rẻ được nhiều người quan tâm, tuy nhiên giá càng rẻ thì càng rủi ro.
Dấu hiệu nhận biết
- Thông tin đăng bán cho thuê mơ hồ, sơ sài hoặc dài dòng mà không đủ thông tin chi tiết như địa chỉ cụ thể, giá thuê,... Sau khi liên hệ khách hàng có thể gặp môi giới hoặc "cò mồi' thay vì chủ nhà cho thuê.
- Đăng tin kiểu "treo đầu dê bán thịt chó", nghĩa là khách hàng có thể xem nhà không đúng với tin đã đăng trước đó.
- Chất lượng nhà, tiện ích, vị trí không lý tưởng theo tin đăng trước đó cùng vô vàn các bất cập khác mà chỉ khi đến xem nhà hoặc đã thuê và sống mới thấy rõ.
Cách phòng tránh
- Khi tìm kiếm nhà cho thuê trên internet, hãy cẩn thận với những thông tin trên những trang thông tin thiếu uy tín. Nên chọn lọc những thông tin nhà cho thuê đầy đủ, có địa chỉ rõ ràng, giá bán và số điện thoại chính chủ.
- Khi đi xem nhà, nên tham khảo thêm ý kiến của người đi cùng hoặc những người dân xung quanh khu vực đó. Bạn nên đi cùng với vài người để đề phòng gặp kẻ xấu.
"Bẫy" chiếm dụng tiền cọc
Khi đi thuê nhà, người thuê không những phải chi trả khoản tiền thuê hàng tháng mà còn phải đặt cọc một khoản tiền trong lúc ký hợp đồng cho thuê. Tiền cọc được coi là một khoản phí đảm bảo với chủ cho thuê trong quá trình thuê nhà.
Dấu hiệu nhận biết
- Tuy cho thuê nhà giá rẻ nhưng chủ nhà hoặc môi giới lại yêu cầu những khoản tiền cọc lớn từ 3 đến 6 tháng mới đồng ý cho người thuê dọn vào.
- Một số đối tượng tận dụng những căn nhà đẹp đăng tin rao cho thuê giá rẻ rồi dẫn khách đi xem, nhưng lấy lý do khách đang thuê đi vắng không vào xem được. Sau đó, yêu cầu khách đặt cọc một khoản tiền nhỏ, thường dưới 500.000 đồng giữ chỗ. Khách hàng thấy tiền đặt cọc không cao, phòng trọ đẹp nên thường đồng ý, đến thời gian hẹn đàm phán thuê nhà khách liên hệ lại thì số điện thoại không liên hệ được.
- Sau khi nhận được tiền cọc, chủ nhà lại "giở bài" tăng giá hoặc đòi bổ sung thêm một loạt phí khiến khách hàng không dám thuê tiếp và từ đó mất luôn tiền cọc.
- Những điều khoản mập mờ trong "hợp đồng cho thuê'' cũng là cách để các chủ nhà lừa đảo chiếm dụng tiền cọc của người thuê.
Cách phòng tránh
- Tìm hiểu kỹ chủ nhà nếu khoản tiền cọc quá lớn.
- Phải có các thỏa thuận đặt cọc, biên nhận và tuyệt đối không cọc nếu thấy dấu hiệu lừa đảo.
Lưu ý đặt cọc phải có chữ ký của hai bên.
Việc chiếm dụng tiền cọc là trường hợp lừa đảo không còn hiếm trong quá trình thuê nhà. Nhiều người đi thuê bất cẩn không tìm hiểu kỹ đã ngậm ngùi phải "bỏ của chạy lấy người", mất đi khoản tiền cọc của mình.
"Bẫy" ở ghép
Một số chủ nhà hoặc môi giới có nhà đã phân phòng để cho thuê với mức giá "rẻ", ít nhất là trong mắt người thuê. Thay vì cho thuê nguyên căn với một mức giá khoảng 20 triệu thì chủ nhà sẽ chia ra thành từng phòng và cho thuê với mức giá rẻ hơn. Tuy nhiên, việc đi thuê nhà "ở ghép" cũng tồn tại nhiều vấn đề bất cập.
Khi được đồng ý ở ghép, kẻ xấu sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc để bạn khai thác thông tin về mình. Khi đến ở, họ thường viện ra hàng loạt lý do để trì hoãn, không cung cấp giấy tờ tùy thân hay làm thủ tục đăng ký tạm trú, đồng thời hạn chế việc tiếp xúc với người cùng thuê trọ, không mang theo tài sản có giá trị tới nhà thuê...
Giá thuê phòng có thể thấp hơn giá thuê nhà nhưng nếu gom tổng số tiền thuê các phòng thì giá thuê sẽ cao hơn nhiều so với giá thực tế.
Cách phòng tránh
- Tìm hiểu kỹ về người ở ghép trước khi đồng ý cho họ dọn vào thuê nhà chung.
- Yêu cầu người ở ghép ra ngay công an phường đăng ký tạm trú, tạm vắng.
"Bẫy" thuế, phí và phụ phí
Nhiều trường hợp chủ nhà ban đầu quá nhiệt tình và đưa ra mức chi phí thuê trọ ưu đãi hơn hẳn so với những phòng trọ cùng khu vực. Tuy nhiên, khi khách dọn vào ở một thời gian ngắn, chủ nhà kiếm cớ tăng giá cho thuê cao hơn thỏa thuận ban đầu. Nếu không chấp nhận, khách buộc phải chuyển đi và mất cọc.
Khách hàng cũng phải cẩn thận khi hợp đồng không nêu rõ các khoản phí hàng tháng, thậm chí không có hợp đồng thuê nhà. Trường hợp không có hợp đồng thuê nhà, chủ nhà thường bao biện rằng “tốt cho người thuê”, không có hợp đồng muốn chuyển đi bất cứ lúc nào cũng được. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc, nếu chủ nhà tăng giá vô lý thì khách hàng cũng không có căn cứ để phản đối.
Cách phòng tránh
Cần trao đổi kỹ thông tin với chủ nhà về giá thuê phòng và các chi phí cơ bản, xác nhận xem ngoài những khoản phí này thì còn phát sinh thêm bất kỳ khoản phí nào khác không?
Lưu ý trong hợp đồng thuê nhà phải ghi chi tiết giá thuê, áp dụng giá đó trong thời gian bao lâu, đến khi nào sẽ tăng giá (nếu có), tỉ lệ tăng mỗi năm không quá bao nhiêu phần trăm. Bên cạnh đó, hợp đồng phải quy định rõ việc thay đổi công năng, vật dụng, sơn sửa nhà... sẽ do ai trả tiền, tránh sau này không ở nữa sẽ bị chủ nhà lấy cớ trừ tiền cọc.
Bài viết liên quan: Những kinh nghiệm quý giá khi thuê căn hộ chung cư