Trong tháng 02/2022, nhiều chính sách mới về bất động sản bắt đầu có hiệu lực thi hành. Trong đó, nổi bật nhất là các chính sách sau đây:
1. Sử dụng khoảng 5.481 ha đất xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Từ ngày 25/02/2022, Nghị quyết 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, Dự án này gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha.
Giải phóng mặt bằng các dự án thành phần theo quy mô 06 làn xe, riêng đối với các dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau giải phóng mặt bằng theo quy mô 04 làn xe.
2. Hướng dẫn sắp xếp lại, xử lý nhà đất công
Theo Thông tư 125/2021/TT-BTC, việc xử lý chuyển tiếp đối với các trường hợp phát sinh từ ngày 01/01/2018 đến trước ngày 01/09/2021 theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 67/2021/NĐ-CP được thực hiện như sau:
- Nhà, đất đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị định 67/2021/NĐ-CP.
- Nhà, đất đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định 67/2021/NĐ-CP.
- Nhà, đất đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo các phương án khác thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 2 Nghị định 67/2021/NĐ-CP.
Thông tư 125/2021/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2022.
3. Thanh Hóa quy định về công khai danh mục các thửa đất nhỏ hẹp
Từ ngày 02/02/2022, Quyết định 02/2022/QĐ-UBND quy định việc rà soát, công bố công khai danh mục các thửa đất nhỏ hẹp, việc lấy ý kiến người dân và công khai việc giao đất, cho thuê đất các thửa đất nhỏ hẹp do nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, UBND cấp huyện nơi có đất có trách nhiệm công khai danh mục các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước trực tiếp quản lý tại địa phương, lấy ý kiến người dân và công khai việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp tại địa phương để giao, cho thuê cho người sử dụng đất liền kề. Cụ thể như sau:
- Công khai danh mục các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước trực tiếp quản lý tại địa phương để giao, cho thuê cho người sử dụng đất liền kề trên cổng thông tin điện tử cấp huyện; niêm yết tại Trụ sở UBND cấp huyện; thời gian công khai là 15 ngày làm việc (có biên bản niêm yết và kết thúc công khai).
- Chỉ đạo UBND cấp xã niêm yết công khai danh mục các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước trực tiếp quản lý tại địa phương để giao, cho thuê cho người sử dụng đất liền kề tại Trụ sở UBND cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất; thời gian công khai là 15 ngày làm việc (có biên bản niêm yết và kết thúc công khai); gửi văn bản lấy ý kiến người sử dụng đất liền kề về nhu cầu sử dụng thửa đất nhỏ hẹp dự kiến giao, cho thuê.
- Kết thúc công khai và lấy ý kiến, UBND cấp huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản các ý kiến của người dân nơi có đất, người sử dụng đất liền kề (nếu có) về các kiến nghị liên quan đến việc giao, cho thuê các thửa đất liền kề.
Sau khi công khai và lấy ý kiến người dân, việc giao đất, cho thuê đất theo thẩm quyền được thực hiện theo quy định tại Điều 14a Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP) và các quy định của pháp luật có liên quan.
4. Điểm mới về sử dụng đất dành cho đường bộ tại khu đô thị, khu dân cư
Theo Nghị định 117/2021/NĐ-CP (bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2022), quy định về sử dụng đất dành cho đường bộ có những điểm đáng chú ý sau đây:
Dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ và các công trình khác phải xây dựng theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có hệ thống đường gom nằm ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ (quy định hiện hành là nằm ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ).
Chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống đường gom, không được sử dụng đất dành cho đường bộ để làm công trình phụ trợ, đường đấu nối; trường hợp cần phải sử dụng đất dành cho đường bộ để làm đường đấu nối vào quốc lộ thì phải thực hiện đúng vị trí điểm đấu nối được UBND cấp tỉnh quyết định theo quy định (quy định hiện hành là thực hiện đúng vị trí điểm đấu nối trong quy hoạch đấu nối của UBND cấp tỉnh đã thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải).
Nghị định 117/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP.